BÁO CÁO THAM LUẬN “Về thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong hoạt động của nhà trường”

Lượt xem:

Đọc bài viết

BÁO CÁO THAM LUẬN

“Về thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong hoạt

động của nhà trường”

 

Kính thưa đồng chí: …………………………………………………………………

…………………………………………………………………

…………………………………………………………………

…………………………………………………………………

  • Kính thưa toàn thể đại hội!

Được sự phân công của Ban tổ chức Đại hội, thay mặt bộ phận CNTT nhà trường tôi xin trình bày tham luận về thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số trong hoạt động của nhà trường. Lời đầu tiên, cho phép tôi được gửi tới các quý vị đại biểu, các đồng chí Đảng viên dự đại hội lời kính chúc sức khỏe. Chúc đại hội thành công tốt đẹp!

Trong thời đại ngày nay – thời đại của thông tin và nền kinh tế tri thức – đã tạo ra những biến đổi to lớn trong mọi mặt hoạt động của con người và xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực đã cho thấy vai trò to lớn và những tác dụng kỳ diệu của CNTT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 22/04/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về ngày CĐS Quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là ngày CĐS Quốc gia.

ƯDCNTT và CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh. Trong đó, ƯDCNTT và CĐS trong giáo dục làm đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học.

Thưa các đồng chí, việc đẩy mạnh ƯDCNTT và CĐS trong quản lý và trong giảng dạy được Chi Bộ nhà trường xem đây là nhiệm vụ then chốt của các năm học trong thời gian qua. Việc ƯDCNTT và CĐS trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả như sau:

  1. Thực trạng Ứng dụng Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số

1.1. Về Ứng dụng CNTT 

* Hạ tầng CNTT:

Được cấp trên và các ban nghành quan tâm, nhà trường chủ động phối hợp với phụ huynh đã đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc, tạo nền tảng phát triển ƯDCNTT, Chuyển đổi số.

  • 100% các phòng học đã được trang bị TV màn hình lớn, độ phân giải cao, đường truyền internet cáp quang kết nối liên tục, tỷ lệ phủ sóng Wifi đạt 100% diện tích trường học.
  • 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có máy tính hoặc máy tính bảng phục vụ công việc thiết kế bài dạy, dạy học, quản lí học sinh.
  • 100% các đoàn thể được trang bị máy in, nhà trường có máy Photo phục vụ in ấn, sao lưu tài liệu.
  • 100% học sinh được thực hành tin học trên máy tính với số phòng thực hành là 1 trang bị 20 máy tính để bàn tốc độ cao.
  • Phòng hội đồng có trang bị TV kết nối Internet có thể dùng trong hội họp, tập huấn chuyên môn trực tuyến.
  • Hệ thống Camera giám sát được lắp đặt đầy đủ an toàn an ninh trường học được đảm bảo.

* Ứng dụng các phần mềm nội bộ cơ bản:

  • Nhà trường đã triển khai nhiều ứng dụng, phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên biệt cho từng lĩnh vực trong thực thi nhiệm vụ: Quản lý công văn đi đến Idesk, Quản lý cán bộ, viên chức; Quản lý tài chính Misa; Quản lý tài sản; Quản lí thư viện, Quản lý Học sinh Smas 3.0, Phần mềm soạn đề kiểm tra Smartest; Phần mềm quản lí hồ sơ giáo viên và học bạ điện tử của học sinh Edoc, cổng thông tin điện tử của nhà trường. Có 01 phần mềm cơ bản chưa được sử dụng (Phần mêm Kiểm định chất lượng giáo dục Abot).
  • Ngoài ra cá nhân mỗi giáo viên đã tích cực sử dụng các tiện ích miễn phí khác trong các giờ lên lớp để hỗ trợ trong việc giảng dạy như Zoom, azota, Microsoft PowerPoint,… Nhiều GV đã vận dụng linh hoạt các phần mềm trên vào dạy học, tạo được hứng thú cho học sinh và nâng cao hiệu quả dạy học.

* Ứng dụng chữ ký số:

  • Nhà trường đã đăng kí để sử dụng tổng số 31 chữ ký số, trong đó:

+ Chữ ký số riêng của hiệu trưởng: 02 (Phục vụ công tác quản lí và kí duyệt hồ sơ); Chữ ký số của phó hiệu trưởng, của GV, NV: 29

Hiện nay các chữ ký số đang được nhà trường, cá nhân sử dụng thường xuyên, có hiệu quả.  

* Quản lý, vận hành Trang Thông tin điện tử của trường

  • Hiện nay trường có 01 trang TTĐT (có địa chỉ: http://c2eakly.pgdkrongpac.edu.vn/). Trang TTĐT cơ bản thường xuyên cập nhật các tin, bài về hoạt động tổ chức giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, mức độ hiện chưa thực sự thường xuyên, nhất là các chuyên mục như: Hoạt động Đoàn thể, Hoạt động chuyên môn, hỏi đáp…

* Sử dụng hòm thư công vụ:

  • Nhà trường sử dụng các nhóm Zalo để trao đổi thông tin một cách thường xuyên và rất có hiệu quả.

1.2. Về Chuyển đổi số

  • Nhà trường: Đã thực hiện được việc trao đổi văn bản qua hệ thống quản lý văn bản điều hành thông suốt, đảm bảo bảo công tác chỉ đạo và triển khai các văn bản đến của cấp trên được thường xuyên, kịp thời;
  • Để đảm bảo công tác điểm danh, quản lí điểm và hồ sơ học sinh chính xác, kịp thời, Nhà trường sử dụng hệ thống quản lí học sinh Smas 3.0, Cơ sở DLNGD. Giáo viên sẽ điểm danh, nhận xét và cho điểm trực tiếp tại lớp trong các tiết dạy. Thực hiện tổng hợp và truy xuất kết quả rèn luyện, học tập, báo cáo số liệu lên cấp trên, tiếp nhận, chuyển trường cho HS một cách nhanh chóng và chính xác.
  • Từ năm học 2023-2024 đến nay nhà trường đã phối hợp với công ty viễn thông Viettel triển khai ứng dụng ký chữ ký số trên hồ sơ giáo viên, học bạ và sổ gọi tên ghi điểm của học sinh. Chữ ký số trên hồ sơ giáo viên, học bạ điện tử là những văn bản quan trọng. Việc số hóa sẽ giảm rất nhiều các thao tác và giản tiện trong khâu lưu trữ, quản lý hồ sơ sổ sách; tránh những nhầm lẫn và giảm bớt áp lực cho GV mỗi khi phải vào điểm trên học bạ giấy thông thường. Việc cắt, chuyển, cập nhật thông tin HS giữa các trường, các cấp cũng thuận tiện dễ dàng hơn rất nhiều.
  1. Thuận lợi, khó khăn

2.1. Thuận lợi: 

  • Nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, cán bộ, giáo viên và nhân viên về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng cao, bắt kịp với xu thế chung của đất nước.
  • Nhà trường và Phụ huynh học sinh có sự quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để đầu tư về hạ tầng, ứng dụng CNTT.
  • Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy, nhất là đội ngũ được giao nhiệm vụ phụ trách các lĩnh vực liên quan nhiều đến ứng dụng CNTT.

2.2. Khó khăn, tồn tại

  • Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng CNTT nhà trường còn có những khó khăn, tồn tại như sau:
  • Một số giáo viên trong nhà trường chưa ứng dụng tốt CNTT trong soạn thảo hồ sơ, thiết kế bài dạy điện tử, hoặc nhận thức được hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc thủ công.
  • Kinh phí đầu tư và phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin còn hạn chế, một số chương trình ứng dụng CNTT chưa triển khai được hoặc triển khai chưa hiệu quả do thiếu kinh phí.
  1. Nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 Để nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
  2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Uỷ đảng, nhà trường và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhân viên về nhiệm vụ xây dựng nhà trường điện tử, chuyển đổi số; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh học sinh về xu thế và lợi ích của Chuyển đổi số.
  3. Tổ chức các buổi tập huấn, các chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn triển khai, giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung về ƯDTT và CĐS.
  4. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu; kinh phí sửa chữa nâng cấp máy móc, thiết bị như máy Scan, máy photocoppy tốc độ cao…

Trên đây là báo cáo tham luận về Thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong và quản lý và dạy học của nhà trường đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Tôi tin rằng với sự đoàn kết, nỗ lực tích cực đổi mới của các thành viên trong HĐSP cùng sự ủng hộ của các cấp, các ban nghành  và sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ Nhà trường, kết quả giáo dục của các bộ môn sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

Cuối cùng tôi xin kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc!

Chúc Đại hội thành công rực rỡ!